Bất dung nạp đường lactose ở trẻ sơ sinh – những điều mẹ chưa biết

Khi bé có dấu hiệu của hội chứng bất dung nạp đường lactose, nhiều mẹ được khuyên nên dừng cho bú mẹ và cho bé ăn loại sữa công thức có hàm lượng lactose thấp.. Một số khác lại khuyên nên tiếp tục cho bé bú mẹ hoàn toàn.

Vậy sự thật của vấn đề bất dung nạp đường lactose ở trẻ sơ sinh là gì? Mẹ hãy cùng tìm hiểu câu trả lời cho tình trạng này nhé!

Vai trò của lactose đối với trẻ sơ sinh

Lactose là một loại đường đôi có trong tất cả các loại sữa của động vật. Tuy nhiên, hàm lượng lactose trong sữa mẹ là cao nhất so với các loại sữa khác.

Đường lactose khá phổ biến và có nhiều trong sữa mẹ
Đường lactose khá phổ biến và có nhiều trong sữa mẹ

Theo nghiên cứu, hàm lượng lactose trong sữa mẹ không phụ thuộc hoặc rất ít phụ thuộc vào lượng đường mẹ ăn hàng ngày.

Đường lactose có vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ cung cấp năng lượng cho trẻ, mà còn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp phát triển trí não và đặc biệt giúp hấp thu sắt tốt hơn.

Tuy nhiên, hội chứng không dung nạp đường lactose (hay còn gọi là bất dung nạp đường lactose) xảy ra khi cơ thể không có đủ ezym lactase để phân hủy đường lactose.

Bất dung nạp đường lactose là gì?

Trong trường hợp bất dung nạp đường lactose, đường sẽ không được tiêu hóa và nó được chuyển đến ruột non. Tại đây, các loại vi khuẩn đường ruột sẽ phân hủy các phân tử đường để sinh ra acid và khí. Đây là lý do vì sao trẻ bị bất dung nạp đường khi đi ngoài phân thường có mùi chua, lỏng và nhiều bọt.

Bất dung nạp đường lactose có hai dạng là nguyên phát và thứ phát.

  • Bất dung nạp đường lactose nguyên phát

Đây là một bệnh lý di truyền rất hiếm gặp (tỉ lệ là 1 trên 30.000 đến 60.000 trẻ sơ sinh). Nếu trẻ bị bất dung nạp đường nguyên phát các triệu chứng thường rất nghiêm trọng và rõ rệt ngay sau sinh. Trẻ thường có dấu hiệu mất nước, không tăng cân rõ rệt. Bạn sẽ cần đến sự trợ giúp của các bác sĩ, và tùy vào mức độ, mà bạn sẽ được bác sĩ khuyên về chế độ ăn của mẹ cũng như của bé.

  • Bất dung nạp đường lactose thứ phát

Enzym lactase được sản xuất bởi niêm mạc đường tiêu hóa, do đó, bất kì tổn thương nào tại lớp niêm mạc đều có thể gây ra tình trạng bất dung nạp đường thứ phát.

Ví dụ:

Bệnh viêm dạ dày ruột.

Trẻ bị dị ứng thực phẩm.

Trẻ bị nhiễm ký ký sinh trùng như bệnh giardiasis hoặc cryptosporidiosis.

Bệnh Celiac (không dung nạp gluten).

Sau phẫu thuật ruột

….

Sự nhầm lẫn trong việc xác định tình trạng bất dung nạp đường lactose

  • Nhầm lẫn với dị ứng đạm sữa bò

Dị ứng đạm sữa bò hoặc không dung nạp đạm sữa bò thường hay bị nhầm lẫn với sự không dung nạp đường lactose. Bởi việc dị ứng sẽ gây ra tình trạng tổn thương niêm mạc ruột và hậu quả là trẻ có các biểu hiện giống như không dung nạp đường.

Hiện tượng bất dung nạp đường thứ phát chỉ là TẠM THỜI. Bởi vậy, nếu bé có các dấu hiệu của bất dung nạp đường thì điều quan trọng là nhanh chóng làm lành các tổn thương ở niêm mạc ruột.

Trẻ sơ sinh còn đang bú mẹ thì việc tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoàn toàn là điều cần thiết và quan trọng hơn là việc cho trẻ sử dụng sữa công thức hàm lượng thấp lactose.

Sữa mẹ không chỉ có các kháng thể giúp chống lại vi khuẩn gây tổn thương niêm mạc ruột, mà nó còn có các yếu tố kích thích tăng trưởng, giúp làm lành các tổn thương nhanh hơn.

Ngoài ra, nếu nguyên nhân gây bất dung nạp thứ phát là do dị ứng đạm sữa bò, thì việc dùng sữa công thức lại càng làm trầm trọng hơn tình trạng của trẻ.

  • Nhầm lẫn với hiện tượng “quá tải đường lactose”

Hiện tượng quá tải đường lactose có các dấu hiệu rất giống với hiện tượng bất dung nạp đường. Vì khi quá tải đường lactose, cơ thể cũng có hiện tượng đường không được tiêu hóa hết và chuyển xuống ruột non gây ra các dấu hiệu đi ngoài giống như bất dung nạp đường.

Để phân biệt hiện tượng “quá tải đường lactose” và hội chứng “bất dung nạp đường lactose” mẹ có thể tham khảo bài viết “Quá tải đường Lactose ở trẻ sơ sinh – dấu hiệu và điều trị”.

Làm gì khi trẻ có dấu hiệu bất dung nạp đường lactose?

Nếu trẻ mắc hội chứng bất dung nạp đường nguyên phát dấu hiệu thường khá rầm rộ và nghiêm trọng. Chỉ một vài ngày sau sinh trẻ đã xuất hiện các dấu hiệu mất nước rõ, và thường bố mẹ sẽ phải đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay.

Đưa trẻ đi khám bác sĩ là điều cần thiết
Đưa trẻ đi khám bác sĩ là điều cần thiết

Tuy nhiên, thật may mắn là tỉ lệ bệnh bẩm sinh này rất hiếm khi xuất hiện (tỉ lệ là 1 trên 30.000 đến 60.000 trẻ sơ sinh), mà đa phần chúng ta đều chỉ gặp tình trạng bất dung nạp đường thứ phát. Và đặc điểm của tình trạng này là nó chỉ diễn ra TẠM THỜI nên các mẹ không cần phải quá hoang mang và lo lắng.

Điều tốt nhất là các mẹ vẫn nên cho con bú mẹ hoàn toàn, bởi sữa mẹ luôn là tốt nhất cho bé. Và vì lượng lactose trong sữa đầu, sữa cuối là không khác nhau nên mẹ cũng không cần nghĩ đến việc nên cho bé ăn sữa đầu hay sữa cuối.

Mẹ cũng nên tích cực cho bé bú mẹ, không nên hạn chế việc cho trẻ ăn vì nghĩ nó có thể làm giảm lượng lactose cung cấp cho trẻ.

Cuối cùng, nếu bé đã bú mẹ hoàn toàn mà vẫn có dấu hiệu tiêu chảy nhiều lần, và có hiện tượng mất nước, thì bạn nên cho trẻ đi khám và làm các xét nghiệm cần thiết để được dùng thuốc điều trị thích hợp.

All search results