Chuyên gia mách mẹ 3 bí quyết giúp duy trì sữa mẹ lâu dài
“Suốt nhiều năm hướng dẫn hàng trăm nghìn mẹ trên hành trình nuôi con bằng sữa mẹ, mình luôn cảm thấy rằng: Việc khó nhất không phải là làm sao cho các bé bú đúng, hay làm sao để mẹ có nhiều sữa, mà điều khó nhất chính là làm sao để mẹ có thể duy trì thành quả lâu dài”. – DS Vũ Thị Lan Hương chia sẻ.
Tất cả chúng ta đều muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con, và sữa mẹ là một trong những điều tuyệt vời nhất mà bất kì người mẹ nào cũng có thể dành tặng con yêu của mình.
DS Hương là một người mẹ hai con, trong đó bé đầu chị sinh thường, còn bé thứ hai chị sinh mổ. Công việc ở phòng khám và ở nhà thuốc rất vất vả, nhưng chị vẫn quyết định nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.

Với những kiến thức chuyên sâu cùng nhiều năm kinh nghiệm, chị không chỉ thành công trong việc nuôi con và duy trì sữa mẹ cho bé đến khi bé được 36 tháng; mà chị còn đồng hành và hướng dẫn hàng trăm nghìn mẹ cũng biết cách duy trì nguồn sữa đến lâu nhất có thể; để việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thực sự có ý nghĩa.
Hãy cùng Mommy trò chuyện với người mẹ tuyệt vời này, để được lắng nghe những bí quyết không chỉ đến từ một người chuyên gia mà còn là chính những kinh nghiệm thực tế của chị.
Chào chị Lan Hương, được biết bé đầu chị sinh thường, còn bé thứ 2 chị sinh mổ. Việc nuôi 2 bé hoàn toàn bằng sữa mẹ trong hai lần có gì khác nhau không?
- Việc sinh thường và sinh mổ cũng có những khác nhau, và một trong những khác biệt lớn nhất đó là vấn đề thời gian hồi phục. Tuy nhiên, với cả hai bé, mình đều cho bé ăn hoàn toàn sữa mẹ. Bởi dù bé thứ 2 lúc đầu mình vẫn dự định sinh thường, nhưng mình cũng đã có chuẩn bị trong việc vắt sữa non trước sinh. Nên dù không sinh thường như dự định nhưng bé vẫn được ăn sữa của mình.
- Nói chung, với mình việc sinh thường hay sinh mổ không có khác biệt quá nhiều. Muốn bé được bú mẹ hoàn toàn, bạn vẫn nên chuẩn bị cẩn thận ngay từ trước khi sinh. Và đặc biệt, sau khi sinh nếu bé chưa được bú mẹ ngay, thì gia đình nên cho bé ăn sữa bằng thìa hoặc bằng cốc, để tránh việc bé ngậm sai và bú sai.

Chị đã thành công và cũng đã hướng dẫn cho hàng trăm nghìn mẹ để nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Vậy trong quá trình ấy, chị có gặp khó khăn gì không?
- Công việc của mình khá bận rộn, nên khó khăn lớn nhất đối với mình là sắp xếp thời gian để cho con bú. Và trong suốt nhiều năm hướng dẫn hàng trăm nghìn mẹ trên hành trình nuôi con bằng sữa mẹ, mình cũng luôn cảm thấy rằng: Việc khó nhất không phải là làm sao cho các bé bú đúng, hay làm sao để mẹ có nhiều sữa, mà điều khó nhất chính là làm sao để mẹ có thể duy trì thành quả lâu dài.
Vậy chị có thể chia sẻ bí quyết để giúp chị duy trì sữa nguồn sữa mẹ lâu dài,để những mẹ phải đi làm hay có công việc bận rộn giống như chị có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đến khi bé được 24 hoặc 36 tháng được không ạ?
Thật tuyệt vời! Đây thực sự là những gì mà mình muốn chia sẻ với tất cả các mẹ. Bởi việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ là tuyệt vời nhất nếu như bạn có thể duy trì cho con ăn sữa mẹ đến khi bé được 24 hoặc 36 tháng.
Bởi đây chính là giai đoạn trẻ làm quen với môi trường xung quanh. Những tác động từ môi trường bên ngoài, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sức đề kháng của trẻ.
Để trẻ phát triển tốt, và luôn khỏe mạnh, trẻ luôn cần có một hệ miễn dịch tốt. Việc cung cấp sữa mẹ thường xuyên cho trẻ trong giai đoạn này giúp hệ miễn dịch của trẻ hoàn thiện tốt hơn.

Với những kinh nghiệm của mình cùng những kiến thức là mình đã tích lũy được sau nhiều năm hướng dẫn các mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, thì mình sẽ chia sẻ với các bạn 3 bí quyết quan trọng nhất, mà bất kì mẹ nào cũng có thể nuôi con và duy trì được sữa mẹ lâu dài đến khi nào mẹ muốn.
Bí quyết đầu tiên: Đó là trong suốt thời gian cho con bú, mẹ cần duy trì một chế độ ăn cân bằng và hợp lý, cụ thể như sau:
- Để sữa mẹ luôn nhiều và đầy đủ dinh dưỡng, mẹ cần ăn cân bằng giữa các nhóm chất: chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất.
Nhiều mẹ cho rằng ăn nhiều cơm thì sẽ nhiều sữa. Nhưng cơm chỉ cung cấp lượng tinh bột là chủ yếu. Bởi vậy, nếu mẹ không muốn tăng cân quá mức thì không nên ăn nhiều cơm.
Một số trường hợp khác thì lại ăn rất nhiều móng giò vì nghĩ móng giò lợi sữa. Nhưng thực tế, trong móng giò chỉ chủ yếu là chất béo, và ăn nhiều móng giò chỉ khiến mẹ phát ngán mà thôi.
- Để đảm bảo cung cấp năng lượng thường xuyên, chế độ ăn của mẹ đang cho con bú nên bao gồm 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ.
Các mẹ hình dung, 3 bữa chính giúp cung cấp đủ năng lượng cho mẹ hoạt động hàng ngày, còn các bữa phụ chính là năng lượng dành cho việc tạo sữa. Bởi vậy, ngay cả khi bạn đã đi làm thì hãy cố gắng duy trì chế độ ăn như vậy. Ăn quá nhiều trong một bữa sẽ khiến hệ tiêu hóa của bạn cảm thấy mệt mỏi, và khiến bạn dễ bị tăng cân.

- Ăn uống cần phải ngon miệng.
Muốn duy trì lâu dài điều quan trọng là bạn phải cảm thấy thoải mái. Việc duy trì chế độ ăn khoa học và cân bằng, cũng cần phải bắt nguồn từ việc bạn thấy thoải mái khi ăn, nghĩa là ăn là cần phải ngon miệng.
Bạn không nhất định phải ăn những món ăn quá giàu dinh dưỡng khiến bạn phát ngán, cũng không cần thiết ép bản thân phải ăn các thực phẩm lợi sữa. Nếu hôm nay bạn cảm thấy mệt mỏi và không muốn ăn, không nhất định phải gượng ép bản thân, hãy để việc ăn uống trở nên vui vẻ, chẳng khác nào một đứa trẻ cần ăn theo nhu cầu để không bị biếng ăn cả.
Bí quyết thứ 2: Cho con bú mẹ trực tiếp bất cứ khi nào có thể.
- Việc cho con bú mẹ đặc biệt quan trọng trong cách duy trì sữa mẹ lâu dài. Bởi khi bạn đi làm, bạn sẽ cảm thấy bận rộn và ít thời gian để nghỉ ngơi hơn. Sẽ thực sự khó khăn nếu như buổi đêm bạn phải dậy để vắt hút sữa.
- Tất cả chúng ta đều đã biết, cơ chế sản xuất sữa mẹ là như thế nào. Nếu bạn giảm số lần vắt sữa, hay giảm số lần cho con bú, cơ thể bạn sẽ dần giảm sản xuất sữa.
Nếu bạn chưa rõ về cơ chế sản xuất sữa mẹ có thể tham khảo phần cơ chế sản xuất sữa mẹ tại bài viết: Vì sao bạn thất bại trong việc kích sữa và cải thiện sữa mẹ?

- Ngoài việc bạn cho bé bú mẹ khi ở nhà, bạn cũng cần vắt thêm đủ số lượng cần thiết cho bé trong khi bạn đi vắng. Đây là cách giúp cơ thể luôn hiểu đúng về nhu cầu thực sự của con bạn.
Mình lấy ví dụ, khi bạn mới đi làm, bé vẫn ăn 8 bữa sữa một ngày, tính cả buổi đêm. Bạn cho bé bú buổi sáng, trưa, chiều, tối và đêm được 5 lần. Ban ngày bạn còn 3 bữa, vậy bạn sẽ vắt thêm 3 lần để bé ăn trong khi bạn đi vắng.
Nếu cơ quan bạn tạo điều kiện cho mẹ vắt sữa, bạn có thể vắt 1 lần vào giữa buổi sáng, 1 lần vào giữa buổi chiều còn 1 lần bạn có thể vắt vào buổi tối, giữa 2 cữ bú của bé. Nếu bạn không có điều kiện vắt giữa buổi như vậy, thì để vắt 3 lần/ ngày, bạn có thể vắt vào 7h sáng khi bạn đang ăn sáng, vắt vào 12h trưa khi bạn vừa được nghỉ, và vắt vào 5h chiều, khi bạn vừa xong việc. Và sau khi về nhà, bạn vẫn cho bé bú mẹ bình thường.
Bí quyết thứ 3: Cơ thể con người không phải là một chiếc máy vĩnh cửu.
Đây là điều rất quan trọng cho những mẹ muốn có sữa lâu dài. Máy móc nếu hoạt động quá công suất của nó cũng sẽ nhanh hỏng, mà nếu không hoạt động thì càng nhanh hỏng hơn.
Chúng ta là con người, bởi vậy sẽ có những lúc cơ thể mệt mỏi cần được nghỉ ngơi. Những lúc như thế, cơ thể cũng giống như chiếc máy, cần phải bảo dưỡng mới có thể hoạt động tốt trở lại.
Chúng ta đừng đòi hỏi hay tự tạo áp lực cho bản thân về việc lượng sữa ngày nào cũng phải được một mức nào đó. Hãy hiểu đơn giản rằng, khi lượng sữa giảm, nghĩa là chúng ta cần bảo dưỡng, cần ăn uống đầy đủ hơn, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, chỉ vậy thôi.
Hiểu được tất cả những điều này, mỗi chúng ta đều cảm thấy bớt đi áp lực, và đó là điều rất cần thiết để có thể duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ lâu dài. Bản thân mình là một người mẹ bận rộn, mình cũng đã từng rất nhiều lần trải qua những ngày lượng sữa bỗng nhiên giảm đi một nửa, thậm chí là chỉ còn một phần ba so với bình thường. Nhưng mình biết đó là hiện tương bình thường và rất tự nhiên, và nó không khiến mình cảm thấy lo lắng hay căng thẳng.
Trước khi tạm biệt các mẹ bỉm sữa ở đây, chị còn điều gì muốn nhắn nhủ đến các mẹ đang muốn nuôi con bằng sữa mẹ không ạ?
Điều cuối cùng mình muốn nói với các mẹ đó là:
Trong suốt hành trình nuôi con bằng sữa mẹ, sẽ có những lúc mẹ cảm thấy mệt mỏi, mất niềm tin và thực sự muốn từ bỏ. Nhưng chỉ cần các mẹ hiểu được không tự nhiên mà mẹ nhiều sữa, cũng chẳng tự nhiên mà mẹ mất sữa, tất cả đều có nguyên nhân, thì chắc chắn các mẹ sẽ có cách để vượt qua và thành công. Với mình, người thành công sẽ không bao giờ bỏ cuộc, họ chỉ tạm nghỉ mà thôi.
Chúc cho tất cả các mẹ có thể luôn mỉm cười và hạnh phúc để dành tất cả những điều tuyệt vời nhất cho các bé yêu!