Cho con bú đúng – có phải là một bản năng?

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng phù hợp và tốt nhất cho trẻ trong giai đoạn 6 tháng đầu đời mà không một loại thực phẩm nào có thể thay thế được. Muốn đủ sữa cho bé bú mẹ hoàn toàn và duy trì được nguồn sữa lâu dài thì một yếu tố vô cùng quan trọng đó chính là mẹ cho con bú đúng cách.

Người ta thường nói, làm mẹ là bản năng của người phụ nữ. Vậy có một hỏi đặt ra là, có phải mẹ nào sinh con cũng đều biết cho con bú đúng? Nó có phải là bản năng của người mẹ?

Qua quá trình tư vấn cho hàng chục nghìn mẹ, Mommy hiểu rằng, việc cho bé bú mẹ và bú mẹ đúng là một vấn đề không hề dễ dàng.

Trên thực tế, theo lẽ thường thì khi sinh bé ra, thời điểm cơ thể mẹ có đủ sức khỏe để cho bé bú thì mẹ nên cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt. Có rất nhiều lợi ích to lớn của việc bé bú mẹ ngay sau sinh: giúp gắn kết tình mẫu tử, trẻ giảm được nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa,… vì sữa mẹ chứa rất nhiều kháng thể; và cuối cùng cho bé bú mẹ sớm chính là biện pháp hiệu quả để kích thích sữa về nhiều hơn.

Nhưng có không ít bà mẹ gặp lại phải rắc rối khi cho con bú, đây là các tình huống có thể xảy ra:

  • Đối với các mẹ sinh mổ, thường qua hôm sau mới gặp bé, và ngày đầu tiên đa phần các bé sẽ được bú bình. Có mẹ thì sữa không về ngay, khoảng 3 hôm sữa mới về, và trong thời gian đó bé bú bình. Kết quả là cho bé ti mẹ bé không ti, mẹ kỳ cạch vắt hút.
  • Một số mẹ thì không đủ sữa cho bé, cho con ti bình thêm và quả là ti mẹ sai, lượng sữa mẹ ngày càng giảm.
  • Một số mẹ khác vì lý do đầu ti ngắn, thụt, lại không biết cách cho bé bú đúng cách, bé ti sai không rút được sữa, bé bỏ ti.

… và còn rất nhiều những tình huống khác nữa, chung quy là con vẫn bú mẹ nhưng bú không đủ, hoặc là bỏ hẳn ti mẹ, mẹ chấp nhận vắt hút 3 giờ một lần cho bé ti bình. Tất cả đều cần tập cho bé bú và bú đúng nếu muốn có đủ sữa cho bé bú mẹ hoàn toàn và duy trì sữa lâu dài.

Thông qua bài viết này, Mommy sẽ cung cấp cho các mẹ một số thông tin cần thiết về vấn đề cho con bú đúng, các tư thế bú đúng và dấu hiệu no đói của bé để mẹ biết rằng lúc nào thì nên cho bé bú.

>>> Xem thêm: Làm sao để biết bé có khớp ngậm đúng?

Hướng dẫn các tư thế cho bé bú đúng

Dù cho con bú theo tư thế nào đi nữa thì các mẹ vẫn cần đảm bảo 2 nguyên tắc sau:

  • Tai – vai – hông của bé thẳng hàng.
  • Bụng bé áp bụng mẹ.

Tư thế ôm nôi

Tư thế này là tư thế phổ biến nhất và cũng dễ dàng nhất cho mẹ và bé.

– Nếu mẹ cho bé bú vú bên trái thì dùng tay trái để bế bé, ngược lại nếu mẹ cho bé bú bên phải thì dùng tay phải bế bé sao cho toàn bộ thân và đầu của con đều nằm trên đường thẳng.

– Để mặt con đối diện với núm vú, bụng con áp vào bụng mẹ.

– Cho bé ngậm bắt núm vú.

Tư thế phổ biến: ôm nôi
Tư thế phổ biến: ôm nôi

Tư thế bú ôm chéo

Với tư thế này, mẹ hỗ trợ bé khá nhiều trong quá trình bú, giúp bé bú dễ dàng và bú được lâu. Tư thế này rất phù hợp để tập cho các bé sinh non và lực mút hơi yếu.

– Ngược lại với tư thế đầu tiên, nếu mẹ cho bé bú vú bên trái thì dùng tay phải để bế con, còn nếu cho bé bú vú bên phải thì dùng tay trái để bế con, tay còn lại giữ đầu bé.

– Để mặt con đối diện với núm vú, bụng con áp vào bụng mẹ.

– Cho bé ngậm bắt núm vú.

Tư thế ôm chéo: dễ dàng và bé bú lâu hơn
Tư thế ôm chéo: dễ dàng và bé bú lâu hơn

Tư thế bú ôm bóng

Với tư thế này bé sẽ không đè lên vết thương của mẹ, nên rất thích hợp với các mẹ sinh mổ vết thương chưa lành. Đặc biệt tư thế này phù hợp với các mẹ có bầu vú lớn, núm ti dẹp hoặc ngắn và đặc biệt có thể áp dụng tư thế này đối với các mẹ sinh đôi khi hai bé muốn bú cùng một lúc.

– Mẹ đặt con nằm ngửa ở bên trái hoặc bên phải mẹ sao cho đầu con ngang tầm với núm vú.

– Nếu bé bú bên trái thì mẹ dùng bàn tay trái đỡ đầu và gáy của con. Ngược lại bé bú bên phải thì mẹ dùng bàn tay phải đỡ đầu và gáy của con.

– Để con ngậm bắt núm vú.

Tư thế bú nằm

Tư thế này rất phù hợp cho các mẹ cho bé bú vào ban đêm không quá ảnh hưởng đến giấc ngủ của mẹ. Hoặc mẹ sinh xong bị đau chưa ngồi dậy được, thì tư thế này sẽ là lựa chọn tốt

Lưu ý: tư thế này nên áp dụng cho các bé đã rụng rốn và tốt nhất là bé trên 1 tháng.

– Mẹ nằm nghiêng, có thể kê gối ở đùi và đầu gối.

– Để bé nằm quay mặt vào bầu vú mẹ, người mẹ và bé song song với nhau.

– Mẹ có thể dùng tay đỡ đầu hoặc hông bé để bé bú mẹ dễ hơn.

Tư thế bú nằm
Tư thế bú nằm

Khi nào nên cho bé bú?

Đây cũng là một vấn đề mẹ cần quan tâm khi muốn cho con bú đúng và đủ. Mẹ cho bé ăn khi bé thực sự muốn ăn, sẽ giúp bé hợp tác với việc ăn uống.

Dấu hiệu bé đói: chia thành 2 giai đoạn

+ Dấu hiệu sớm:

  • Bé có biểu hiện: liếm môi, há và ngậm miệng như đớp mồi.
  • Cho tay, đồ chơi hoặc quần áo vào miệng mút.
  • Vùi đầu vào ngực của người đang ẵm bé.
  • Bé cố gắng vào tư thế bú: nằm ngã ngửa, hay kéo áo mẹ lên.
  • Bé đánh vào tay hay ngực mẹ liên tục.

+ Dấu hiệu trễ: khóc

Nếu bé có những dấu hiệu sớm kể trên mà mẹ không để ý, không cho bé bú kịp thời, bé sẽ chuyển sang giai đoạn quấy khóc hay tức giận. Lúc này mẹ nên dỗ dành, để bé dịu lại, sau đó mới cho bé bú.

Các biện pháp mẹ có thể áp dụng: ôm ấp bé, dỗ dành cho bé, vuốt ve massage bé và một biện pháp hữu hiệu là cho bé da tiếp da.

Dấu hiệu bé bú đủ

Có một sai lầm cơ bản mà nhiều mẹ mắc phải đó là bé cứ khóc thì cho bé bú mặc dù vừa mới cho bé ăn trước đó không lâu. Các mẹ cần hiểu rằng, lượng sữa bé ăn cần một khoảng thời gian nhất định để tiêu hóa. Nếu bé vừa ăn no trước đó thì không thể nào bé khóc lại là do bé đói. Những lúc như thế các mẹ hãy bình tĩnh, lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu thực sự của bé khi đó là gì.

Cho bé bú đúng và đủ, sẽ giúp mẹ duy trì nguồn sữa, đồng thời cho bé một chế độ ăn phù hợp, tránh việc bú lắt nhắt, ảnh hưởng đến việc phát triển cân nặng của trẻ.

Mách mẹ các dấu hiệu bé bú đủ:

  • Bé bú ít nhất 8 lần/ngày mỗi lần ít nhất 10 phút.
  • Trẻ khỏe mạnh năng động và vui tươi
  • Không quấy khóc nhiều.
  • Đi tiểu khoảng 8-10 lần/ngày trong những tháng đầu tiên
  • Nước tiểu màu vàng nhạt hoặc không có màu
  • Đi ngoài phân lỏng màu vàng nhạt
  • Bé tăng cân tốt.
All search results