Sữa mẹ loãng có tốt không – làm sao biết sữa mẹ bị loãng?

Mới đây tôi có nhận được một câu hỏi khá thú vị là “em nên vắt bỏ bao nhiêu sữa đầu để con được ăn sữa đặc”? Đúng là trong số những chuyện về sữa mẹ tôi nhận được khá nhiều câu hỏi kiểu như: sữa mẹ loãng có tốt không? Làm sao để biết sữa mẹ bị loãng? Hay sữa mẹ bị loãng thì phải làm sao?

Có nhiều mẹ nghĩ là do sữa mẹ loãng con chậm tăng cân, có mẹ thì là vì thấy sữa mình trong như nước vo gạo mà sợ con không đủ chất. Mà đôi khi có mẹ con cũng chẳng chậm tăng cân, sữa mẹ cũng chẳng trong nhưng vẫn sợ con ăn không đủ no, không đủ chất mà thắc mắc.

Sữa mẹ loãng khiến con chậm tăng cân
Sữa mẹ loãng khiến con chậm tăng cân

Thật ra, không có gì là khó khăn các mẹ ạ, chỉ là đôi lúc các mẹ quá tập trung vào một vấn đề mà quên đi các vấn đề khác. Hôm nay, mình sẽ trả lời các câu hỏi của các mẹ về vấn đề sữa mẹ loãng nhé!

Sữa mẹ loãng có tốt không?

Sữa mẹ là một hỗn hợp các thành phần gồm có protein (chất đạm), lipid (chất béo), carbohydrate (đường), vitamin, khoáng chất và rất nhiều các chất khác như: enzyme, kháng thể, …. Bởi vậy, có thể hiểu, khi nói đến sữa loãng là chúng ta đang muốn nói đến sữa có ít các thành phần về chất đạm, chất béo hay đường.

Tuy nhiên, hầu như chẳng có ai trong số chúng ta đem sữa mình đi làm các xét nghiệm để định lượng các thành phần này, hầu hết chúng ta đều dựa vào các dấu hiệu cảm tính như:

  • Màu sữa
  • Thời gian bé đòi bú
  • Sự tăng cân của bé
  • Tính chất phân của trẻ

….

Quay lại câu hỏi sữa mẹ loãng có tốt không?

Đương nhiên khi bạn cho trẻ uống một loại thức uống, bạn sẽ quan tâm đến hàm lượng của lại thức uống đó, và việc hàm lượng thấp có thể khiến bạn nghĩ nó không tốt, hay không giúp trẻ tăng cân. Nhưng sữa mẹ lại hoàn toàn khác các bạn ạ.

Sữa mẹ không phải một loại thức uống được pha chế, nó cũng chẳng tuân theo nguyên tắc về sự pha trộn. Nó tuân theo nguyên tắc của “tự nhiên”.

Nguyên tắc tự nhiên của sữa mẹ đó là lúc đầu bé cần một thực phẩm ít chất béo, giàu enzyme để kích thích quá trình tiêu hóa, giống như người lớn chúng ta khi bắt đầu với món khai vị sẽ hấp dẫn hơn là bắt đầu với những món chiên rán.

Nguyên tắc tự nhiên thứ hai, đó là dinh dưỡng nhiều ở bữa chính. Ở bữa ăn thực sự, trẻ sẽ cần nguồn dinh dưỡng đa dạng và đương nhiên càng giàu dinh dưỡng, càng dễ tiêu hóa thì càng tốt.

Đây cũng chính là những điều tuyệt vời của việc bú mẹ trực tiếp.

Vậy nên không thể nói sữa mẹ loãng có tốt không, vì mỗi loại sữa đều có vai trò riêng của nó.

Làm sao để biết sữa mẹ bị loãng?

Hiển nhiên các bạn đã biết, sữa mẹ có sữa đầu (thường có màu trắng trong, hoặc trắng xanh) và sữa sau (thường có màu đục hơn, hoặc vàng hơn). Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao màu sữa của em không giống của mẹ khác, con em bú mẹ nhanh đói, hay vì sao bé bú mẹ chậm tăng cân… Liệu đó có phải là do sữa mẹ bị loãng không? Và làm sao để biết sữa mình có bị loãng hay không?

Nhận biết loãng qua màu sữa mẹ có chính xác
Nhận biết loãng qua màu sữa mẹ có chính xác

Để trả lời câu hỏi này, cần quay lại vấn đề ban đầu mà tôi đã nói. Đó là sữa mẹ là một hỗn hợp nhiều thành phần.

Và bạn đang nghĩ rằng, vì thành phần ít nên màu sữa mới nhạt, hay mới không vàng. Hay bạn đang nghĩ vì thành phần ít, nên con ăn mới nhanh đói, bé bú mẹ mới chậm tăng cân…

Logic của bạn nghe có vẻ đúng. Nhưng sự thật hoàn toàn không phải như vậy, bởi vì bạn đang quá chú tâm vào một việc mà quên đi những việc khác.

  • Về vấn đề màu sữa:

Màu sữa mẹ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: thời điểm vắt, thời gian vắt, thực phẩm mẹ ăn, … Và thậm chí còn phụ thuộc vào nội tiết của mẹ.

Nếu như bạn vắt sữa đầu, đương nhiên sẽ thấy sữa loãng.

Nếu như bé nhà bạn vừa mới sinh đương nhiên màu sữa sẽ khác với những mẹ có bé đã lớn.

Thực phẩm mẹ ăn hay các yếu tố về nôi tiết cũng có thể ảnh hưởng đến màu sắc sữa của bạn.

Nói tóm lại, màu sữa của mỗi mẹ là khác nhau, thậm chí, màu sữa của cùng một mẹ cũng sẽ thay đổi ở các thời điểm khác nhau.

  • Về vấn đề bé ăn nhanh đói:

Điều mà đa phần khiến các mẹ nghĩ là con đói, đó là việc bé đòi bú, hoặc khóc không chịu ngủ.

Ăn uống là một thói quen, nếu bạn thường xuyên ăn sáng lúc 8h, thì cứ đến khoảng 8h bạn sẽ thấy đói. Nhưng nếu bạn là người bỏ bữa sáng, lúc 8h sẽ không khiến bạn đói. Đó là vấn đề của cái dạ dày.

Người ăn nhiều thường sẽ phải ăn nhiều, người ăn ít thường không thể ăn nhiều. Bạn có thấy nó hiển nhiên không?

Thế mà bạn lại không thấy nó hiển nhiên với bé. Mỗi bé sẽ có nhu cầu ăn khác nhau, bạn đừng nghĩ con bạn 1 tháng thì nó phải ăn sữa giống đứa hàng xóm cũng được 1 tháng.

Hay bạn đừng nghĩ, cứ 30 phút hay 1 tiếng bạn cho con ăn một lần là vì con bạn đói. Đó là thói quen do bạn tạo ra cho bé. Thói quen bú mẹ lắt nhắt.

Đương nhiên, không phải tất cả các trường hợp đều là do thói quen. Cũng có rất nhiều bé, vì bú mẹ sai khớp, không nhận được đủ sữa nên nhanh đói. Cũng có bé là vì khi bú lắt nhắt chỉ ăn được sữa đầu nên nhanh đói.

Tóm lại, chuyện bé nhanh đói không hoàn toàn là do sữa mẹ bị loãng.

  • Vấn đề bé bú mẹ chậm tăng cân:

Nếu bạn còn đủ kiên nhẫn đọc đến đây, hẳn bạn đã hình dung ra phần nào chuyện chậm tăng cân ở trẻ bú mẹ hoàn toàn. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé chậm tăng cân: cho bú sai cách, bé hay bú lắt nhắt nên chỉ ăn được sữa đầu, mẹ cho bé bú không đủ, hoặc SỮA MẸ LOÃNG.

Quay lại vấn đề làm sao để biết sữa mẹ có bị loãng không? Và sữa mẹ loãng phải làm sao?

Sữa mẹ loãng phải làm sao?

Nếu như tất cả các yếu tố vừa kể trên không thể khẳng định sữa mẹ có loãng không, thì có cách gì để biết sữa mẹ loãng hay không?

Đầu tiên: Vì các mẹ đã hiểu, sữa mẹ luôn là tốt nhất cho bé. Vậy nên các mẹ đừng quá áp lực nếu như ai đó, hay bạn tự nghĩ rằng sữa mẹ bị loãng. Cũng đừng cố gắng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, sữa mẹ loãng có tốt không, hay làm sao để biết sữa mẹ có bị loãng hay không. Vì dù kết quả là gì thì sữa mẹ vẫn là tốt nhất cho con.

Thứ 2: Để mang đến điều tốt nhất cho bé, các mẹ hãy quan tâm đến việc cải thiện chất lượng sữa, giúp sữa mẹ nhiều hơn, đặc mát hơn, hơn là quan tâm đến việc sữa mình có  bị loãng hay sữa mình có loãng hơn sữa mẹ khác hay không.

Vậy làm sao để cải thiện sữa đặc mát, cũng như làm sao để biết sữa đã đặc lên hay chưa. Đây sẽ là câu hỏi mà tôi sẽ trả lời cho các bạn.

Để sữa mẹ đặc mát hơn, bé bú mẹ tăng cân, cũng như để các mẹ yên tâm hơn về chuyện sữa mẹ đã đặc lên hay chưa, thì mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Cho bé bú mẹ đúng cách và theo dõi cách bé đang bú mẹ. Hãy để bé bú theo nhu cầu nghĩa là nên cho bú theo cữ và bú thời gian bao lâu phụ thuộc vào nhu cầu của bé.

Nếu như mẹ đã tạo cho bé một thói quen tốt, làm thường xuyên như vậy mà bé vẫn nhanh đói, bé đi tiểu nhiều nhưng vẫn chậm tăng cân… thì có thể bạn chưa làm đúng để cải thiện sữa mẹ loãng.

  • Mẹ ăn uống cân bằng giữa các nhóm chất, chia đều vào các bữa ăn trong ngày, không ăn quá nhiều trong một bữa…bởi đó là điều cần thiết để chất lượng sữa mẹ được ổn định.

Nếu như mẹ đã ăn uống đầy đủ, cân bằng, và ngày nào bạn cũng vắt sữa vào một giờ cố định mà màu sữa vẫn không thay đổi… thì có thể vấn đề là sữa loãng, và nguyên nhân của nó nằm ở tuyến sữa của bạn.

  • Theo dõi chiều cao, cân nặng và đầu ra của bé (gồm có số lần đi tiểu, số lần đi ngoài, cũng như tính chất phân của bé…) Bởi đầu ra chính là cách phản ánh tính chất sữa mẹ. Đừng chỉ chú trọng một chỉ số mà quên đi những chỉ số khác để đánh giá. Hãy nhìn một cách toàn diện về sự phát triển của con.

Tóm lại, khi các bạn đọc câu trả lời về việc sữa mẹ loãng có tốt không, hay làm sao để biết sữa mẹ bị loãng – các bạn sẽ hiểu rằng:

Vì bạn không đem sữa đi kiểm nghiệm, và vì sữa mẹ tuân theo nguyên tắc “tự nhiên” nên bạn sẽ rất khó để thấy câu trả lời chính xác cho câu hỏi mà bạn đang hỏi. Thực tế là mọi thứ đều có tính chất tương đối. Nuôi con không phải là làm mọi thứ tuyệt đối theo khoa học, mà là cảm nhận và quan sát.

Hotline giải đáp thắc mắc các vấn đề về nuôi con bằng sữa mẹ: 094 1800 797

All search results